Trang chính » 2013 » Tháng ba » 25 » Một số bệnh thường gặp trên gà ta trước và sau tết Nguyên đán
13.45.46
Một số bệnh thường gặp trên gà ta trước và sau tết Nguyên đán
Gà ta có sức đề kháng tốt hơn các giống gà khác như gà Lương Phượng, gà Tam Hoàng, các giống gà công nghiệp chuyên thịt hoặc chuyên trứng. Tuy nhiên gà ta cũng rất mẫn cảm với sự thay đổi thời tiết, nhất là vào thời điểm trước và sau tết Nguyên đán.Vào thời điểm này thời tiết thay đổi thất thường, nhiệt độ ban ngày có thể trên 35 độ C, ban đêm hạ xuống dưới 22 độ C, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao làm ảnh hưởng rất lớn sức khỏe của đàn gà, giảm sức đề kháng, từ đó đàn gà rất dễ mắc các bệnh như trên đường hô hấp, đường tiêu hóa. 

 Đặc biệt, hai bệnh thường gặp nhất là bệnh Dịch tả và bệnh Tụ huyết trùng (còn gọi là bệnh Toi).

Đặc điểm chung của hai căn bệnh này trên gà ta là thường xảy ra vào thời điểm giao mùa, các lứa tuổi của gà đều có thể mắc bệnh, từ gà con mới nở cho đến gà mái đẻ, gà trống cồ. Khi dịch bệnh xảy ra tỷ lệ chết rất cao trên 80%, có thể lên đến 100% nếu điều kiện chăm sóc; nuôi dưỡng không tốt; chuồng trại vệ sinh kém. Vườn chăn thả ẩm ướt là điều kiện tốt để dịch bệnh phát triển và lây lan cho những gà khác trong đàn, đàn gà chết rất nhanh.

Khi xảy ra bệnh Toi, trên đàn gà sẽ thấy có biểu hiện ủ rũ, ăn ít, bỏ ăn, xù lông, sốt cao, chảy nước dãi, lượng phân bình thường nhưng có màu xanh lá cây. Sau vài ngày gà bắt đầu chết, những gà chết thì thấy tích, mào, những vùng da không lông trên đầu có màu tím tái. Có trường hợp gà đang khỏe mạnh, đột nhiên lăn ra chết đột ngột, thường xảy ra vào ban đêm,  không biểu hiện triệu chứng cũng như bệnh tích ra bên ngoài (đó là trường hợp bệnh quá cấp).

Khi xảy ra bệnh Dịch tả, đàn gà cũng có biểu hiện ủ rũ, xù lông, bỏ ăn, sốt cao. Gà thường tụm lại thành đám vào một góc chuồng trại hoặc góc vườn. Phân lỏng trắng như vôi hoặc xanh lá cây có lẫn máu. Một số con có triệu chứng hô hấp như thở khó, vươn cổ ra thở. Một số có biểu hiện thần kinh quay vòng vòng. Khi mổ khám đặc điểm dễ nhận biết nhất là xuất huyết ở cuống mề, có trường hợp xuất huyết lấm tấm ở mề, ruột loét hình cút áo.

Để phòng bệnh, cần thực hiện tốt các khâu sau:

 - Chuồng gà, vườn chăn thả phải bố trí nơi có cây che bóng mát, đảm bảo mát mẻ vào ban ngày, vào ban đêm có rèm che để hạn chế việc mất nhiệt. Chuồng trại khô ráo, thông thoáng, không quá kín, cũng không quá trống trải. Chuồng trại kín, ẩm thấp dễ làm ứ đọng các khí độc thải ra từ sự phân hủy phân, thức ăn. Chuồng trại quá trống trải dễ làm mưa tạt, gió lùa thú dễ mất nhiệt, gà bị lạnh, giảm sức đề kháng, dễ mắc bệnh. Hàng ngày dọn quét, thu gôm phân rác đổ vào nơi quy địch cách xa chuồng gà, vệ sinh máng ăn máng uống.

- Cho ăn thức ăn đầy đủ dinh dưỡng, thức ăn phải luôn mới, không sử dụng thức ăn ôi thiu, ẩm mốc. Không sử dụng cơm phơi khô có màu vàng cam (màu vàng cam là màu của nấm mốc phát triển do trong quá trình bảo quản không tốt). Thức ăn phải phù hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của gà.

- Nước uống phải sạch và được cung cấp đầy đủ. Bố trí các máng uống trong vườn, tránh việc gà tìm đến uống những nơi nước tù thải ra từ sinh hoạt gia đình. Vì vậy nên có lưới rào ngăn không cho gà đi lại trong khu vực sinh hoạt gia đình.

- Cho uống kháng sinh phòng bệnh như Amoxicciline, Amcoli-Plus, Tetracolovit... Bổ sung vitamin và chất điện giải như Vit-plus, Electrolytes … để tăng sức đề kháng cho gà.

- Tiêm phòng vaccin theo đúng lịch, có sự lặp lại đối với gà sinh sản, các bệnh truyền nhiễm trên gia cầm như: Cúm, Dịch tả, Gumboro, Viêm phế quản truyền nhiễm…Vaccin phải được bảo quản đúng cách: Chỉ bảo quản vaccin trong ngăn mát của tủ lạnh, không bảo quản trong ngăn đá, không để ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào vaccin. Vaccin đông khô phải còn nguyên  không bị nứt, bể. Nên chủng vaccin vào lúc trời mát, chỉ chủng cho gà khỏe mạnh, không chủng cho gà yếu hoặc có biểu hiện bệnh.

- Mật độ nuôi thích hợp, nuôi thả vườn thì diện tích vườn tối thểu 2m2/con. Mật độ cao dễ gây tình trạng lầy lội (vào mùa mưa), dẫm đạp phân … tích lũy nhiều mầm bệnh, dịch bệnh dễ xảy ra.

- Định kỳ phun thuốc sát trùng chuồng trại và thú nuôi, rãi vôi sát trùng vườn chăn thả. Sử dụng các loại thuốc sát trùng có phổ kháng khuẩn rộng sát trùng chuồng trại khi có vật nuôi trong chuồng như: Bioxide, Biodine, TH4, Virkon…

- Không được giết mổ ăn thịt gà chết do bệnh, hay chết đột ngột không rõ nguyên nhân. Gà chết phải được tiêu hủy bằng cách đốt hay chôn, có khu vực riêng biệt để mổ khám, chôn.

Bệnh dịch tả, bệnh toi trên gà ta thường xảy ra trước và sau tết Nguyên đán làm chết nhiều gà, có khi chết cả đàn ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế hộ gia đình. Vì vậy cần thực hiện tốt biện pháp phòng bệnh nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra./.

                                                                                    Nguyễn Thị Phương Dung

                                                                                    Trạm Khuyến nông Bến Cát

Danh mục: PHÒNG BỆNH CHO GÀ | Lượt xem: 495 | Đăng bởi: thanhlam | Đánh giá: 0.0/0
Tổng bình luận: 0
Đăng kí để bình luận.
[ Đăng kí | Đăng nhập ]
Khu đăng nhập
Xem tin theo ngày
«  Tháng ba 2013  »
CNT2T3T4T5T6T7
     12
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
31
Hỗ trợ trực tuyến

Liên hệ điện thoại

Liên hệ yahoo chat

Bản tin dịch vụ
[2013-02-20]
GÀ THỊT (0)
Trạng thái

Trực tuyến: 1
Khách: 1
Thành viên: 0